Tài liệu Kỹ thuật Trồng và chăm sóc cây chè được biên soạn trên cơ sở những kỹ thuật đã và đang được phổ biến rộng rãi, kế thừa những kinh nghiệm thực tiễn của những đơn vị, cá nhân nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và trực tiếp sản xuất chè. Hơn nữa, những kết quả nghiên cứu về giống, các biện pháp kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật, được khảo nghiệm hay áp dụng thử trong thời gian gần đây nhất, trong các chương trình, dự án giống quốc gia cũng đã được biên soạn lại và nêu trong tài liệu này.
    Phần 1. GIỐNG CHÈ
 1. Vài nét về cây chè và tầm quan trọng của giống chè.
Cho đến nay vùng nguyên sản cây chè được thống nhất gồm vùng núi rộng lớn của dãy Hymalya với triền phía Đông là Đông Nam Trung Quốc, sang phía Nam – Tây Nam là Bắc Việt Nam, Lào, Thái Lan, Miến Điện và phía Tây là vùng Đông Bắc ấn Độ, nằm từ 95o đến 120o kinh tuyến Đông, từ 11o đến 29o vĩ tuyến Bắc.
Theo A. Asimov (1978), nhà tự nhiên học người Thuỵ Điển Carl Von Linne (1701 – 1778), người được xem là “Ông Tổ” của hệ thống phân loại hiện đại, đã đặt tên cho cây chè vào năm 1753 với tên Thea sinensis. Trong tên đó: “Thea” là tên loại thực vật, “sinensis” ông muốn nêu xuất xứ từ Trung Quốc. Ông cũng phân thành hai thứ chè Thea bohea (chè đen) và Thea viridis (chè xanh).
Qua hơn 20 lần đổi tên, nay cây chè được gọi tên khoa học là Camellia sinensis (L.). O. Kuntze (theo cách gọi của O.Kuntze năm 1956).
Theo hệ thống phân loại hiện đại cây chè thuộc loài sinensis, chi Chè (Camellia), họ Chè (Theaceae), bộ Chè (Theales), lớp hai lá mầm (Dicotyledonae), ngành Hạt kín (Angiospermae).
    Giống đóng vai trò tư liệu sản xuất đặc biệt. Giống là tiền đề năng suất, chất lượng của mọi loại cây trồng, trong đó có cây chè. Cây chè là cây dài ngày, giống có ảnh hưởng suốt cả chu kỳ kinh tế 30 – 40 năm và có thể lâu hơn nữa. Giống tốt có  các đặc trưng, đặc tính quý phát huy hết cả nhiệm kỳ kinh tế. Người ta không thể dễ dàng thay thế giống chè mới như việc thay thế giống các cây ngắn ngày, vì vốn  đầu tư ban đầu để trồng một nương chè rất lớn và thời gian để tạo nương chè sản xuất kinh doanh có hiệu quả cũng rất dài. Mỗi loại sản phẩm chè đòi hỏi một loại nguyên liệu tương ứng (từ nguyên liệu của một hay một số giống chè nhất định). Mỗi một điều kiện sinh thái, mỗi vùng lại thích hợp cho một hay một số giống chè nhất định. Vì vậy, để góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tận dụng lợi thế của vùng sinh thái, sản xuất chè đòi hỏi có một tập đoàn giống, dần hình thành những bộ giống, cơ cấu giống thích hợp theo vùng, phục vụ mục tiêu các loại sản phẩm chè đặc trưng. Việc nghiên cứu và triển khai giống chè mới là giải pháp rất quan trọng cả trước mắt và lâu dài.